Tòa Úc nghe lời khai về vụ tiền polymer
Phi công trẻ Lương Ngọc Anh và máy bay bà già Elizabeth Masamune
Tám người từng giữ các chức vụ lãnh đạo ở công ty Securency và Note Printing Australia đã ra tòa hôm 14/8 để nghe chứng cứ chống lại họ trong vụ án tiền polymer.
Phiên tòa ở Melbourne đã nghe phía công tố cáo buộc hai công ty, trực thuộc Ngân hàng Trung ương Úc, trả hàng triệu đôla cho người môi giới ở Việt Nam, Indonesia và Malaysia để giành hợp đồng in tiền polymer.
Chủ đề liên quan
Công tố viên Nicholas Robinson nói cựu giám đốc Securency, Myles Curtis, đóng vai trò chính trong âm mưu hối lộ giới chức ngân hàng ở ba nước Đông Nam Á.
Cáo buộc hối lộ ở Việt Nam
Ông Robinson nói bà Elizabeth Masamune, khi đó là đại diện của cơ quan xúc tiến thương mại Úc (Austrade) ở Hà Nội, liên lạc với ông Curtis vào năm 2000 để giới thiệu người môi giới, Lương Ngọc Anh.
Theo một email được đọc tại tòa, bà Masamune nói ông Anh đã tiếp xúc với một viên chức ngân hàng Việt Nam, người muốn hợp tác với Úc trong vụ in tiền.
“Có thể có vai trò quan trọng cho Securency,” bà Masamune nói trong email.
Sau đó, cũng năm 2000, người phụ trách bán hàng của Securency, Clifford Gerathy, email cho bà Masamune bày tỏ lo ngại là Securency được yêu cầu đài thọ cho một phó thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam thăm Úc.
Bà Masamune trả lời “thật không may là người ta trông đợi” các công ty nước ngoài trả tiền cho các chuyến đi như vậy.
“Thực tế cuộc đời là nếu anh không trả, sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh trả,” bà nói.
Tòa án của Úc cũng nghe cáo buộc Securency đồng ý trả tiền du học cho con trai của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi đó, ông Lê Đức Thúy.
Trong một số vụ, tiền hối lộ được che giấu qua các hóa đơn cho người phiên dịch, tiền đi lại và quảng cáo.
“Người môi giới được hứa trả tiền dựa trên căn bản và sự hiểu biết rằng từ số tiền này, ông ta sẽ hối lộ quan chức ngân hàng để có hợp đồng,” công tố viên Robinson nói.
Ông Robinson nói trong 5 năm, hai công ty đã giành nhiều hợp đồng từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi trả hơn 15 triệu đôla Úc vào các tài khoản ở nhiều nước của ông Lương Ngọc Anh.
Trong một email trao đổi khi ông Anh yêu cầu tăng tiền thù lao, ông Gerathy trả lời rằng sẽ tăng nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản trao hợp đồng cho Securency thay vì buộc họ tham gia đấu thầu.
“Chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tiền thù lao lên 10% vì thành tựu quan trọng,” ông này viết.
Xóa email
Các email đọc tại tòa còn cho thấy một cựu giám đốc bán hàng của Note Printing Australia, Christian Boillot, đã yêu cầu không trao đổi qua email vì lo ngại có thể ra tòa vì tội hối lộ một người môi giới Malaysia.
Ông Boillot viết thư cho người môi giới Malaysia, Abdul Kayum, rằng đừng bao giờ gửi email hay fax “với các vấn đề nhạy cảm thế này”.
“Tôi có thể phải ra tòa, nên ông làm ơn làm sạch hệ thống. Chúng ta chỉ bàn về các việc này (khi gặp mặt hay qua điện thoại),” ông Boillott nói, theo bên công tố.
Ba ông Boillot, Curtis và Gerathy bị truy tố tội có âm mưu dành các lợi ích phi pháp cho quan chức chính phủ nước ngoài.
Năm bị cáo khác cũng bị truy tố tội danh tương tự.
Phiên nghe lời khai tại tòa án Úc dự kiến kéo dài thêm hai tháng nữa.
Chính phủ đòi xử kín
Tờ báo Úc The Age, nơi đầu tiên phát giác về vụ bê bối, tường thuật rằng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc yêu cầu phiên xử kín với lý do sợ tiết lộ thông tin “gây hại cho quan hệ ngoại giao của Úc và gây thiên kiến cho việc thực thi công lý”.
Nhưng luật sư của tờ The Age đã thuyết phục được tòa rằng vụ án “vô cùng quan trọng” vì “lợi ích công chúng”.
“Việc gây xấu hổ hay nhạy cảm” cho chính phủ không phải là lý do để xử kín, luật sư Veronica Scott biện luận.
Cũng tờ báo The Age vừa đưa ra cáo buộc bà Elizabeth Masamune từng có quan hệ "thân mật" với ông Lương Ngọc Anh trong giai đoạn công tác ở Hà Nội.
Sau cáo buộc này, văn phòng Bộ trưởng Thương mại Úc Craig Emerson cho biết quy chế tiếp cận thông tin mật của bà Masamune đang được xem lại.