Bản tin biểu tình của HTV Hà Nội – Mũi tên bắn ngược
Khánh An, phóng viên RFA
2012-08-06
Một lần nữa, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội bị những người biểu tình chống Trung Quốc phản đối khi đưa tin sai lệch về vụ biểu tình diễn ra tại Hà Nội vào hôm Chủ nhật 5/8.
Nhiều khán giả đã ghi lại được chi tiết trong bản tin trưa 5/8 của đài, trong đó nêu đã “bắt quả tang một số đối tượng đang phát trả tiền công cho những người tham gia biểu tình” và sẽ đưa chi tiết vào bản tin tối. Thế nhưng những chứng minh cụ thể đã không xuất hiện trong bản tin tối, khiến cho những người trong cuộc rất bức xúc. Khánh An tìm hiểu chi tiết và tường trình.
Vu khống xuyên tạc
Vu khống xuyên tạc
Chuyện vu khống hòng dập tắt các cuộc biểu tình hay che giấu việc bắt người của công an thì HTV Hà Nội đã làm một việc có tính chất đi ngược lại ý định ban đầu của họ.TS Nguyễn Xuân Diện
Ngay sau khi cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn diễn ra tại Hà Nội vào sáng Chủ nhật 5/8, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội đã nhanh chóng đưa ngay tin này vào bản tin thời sự buổi trưa, trong đó có đoạn:
“Đáng chú ý là trong cuộc tụ tập đông người sáng nay, quần chúng nhân dân và lực lượng an ninh đã phát hiện và bắt quả tang một số đối tượng đang phát trả tiền công cho những người tham gia biểu tình. Bộ mặt thật của cái gọi là “biểu tình yêu nước” đã bị lộ tẩy. Những thông tin chi tiết này chúng tôi sẽ phản ánh rõ nét trong chương trình thời sự 18:30 giờ hôm nay.”
Ngoài những người đi biểu tình, nhiều người dân không tham gia xuống đường cũng chờ đón xem chi tiết của vụ việc trong bản tin tối. Thế nhưng những điều khán giả mong đợi đã không đến. Bản tin buổi tối được đọc lại với nội dung tương tự nhưng bị cắt mất chi tiết “bắt quả tang các đối tượng phát tiền công cho người biểu tình” và thêm hình ảnh, chi tiết việc bắt giữ khẩu hiệu, băng rôn.
“Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã thu giữ 8 băng-rôn, khẩu hiệu cỡ lớn. Bên cạnh những nội dung thường thấy là “Phản đối Trung Quốc”, thì lần này kích cỡ lớn hơn nhiều, và đặc biệt là xuất hiện nội dung chủ trương chống phá chính sách của Đảng, Nhà Nước, bôi nhọ các đồng chí cấp cao.”
Thế nhưng ngay cả những hình ảnh băng-rôn bị thu giữ mà đài này đưa lên trong bản tin buổi tối cũng bị những người biểu tình bác bỏ, cho rằng họ không sử dụng các băng-rôn đó.
Nói với Đài Á Châu Tự Do, TS. Nguyễn Xuân Diện, một trong những người đã từng nhiều lần tham gia xuống đường phản đối Trung Quốc, cho biết:
“Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội thì hai năm nay rồi, từ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm ngoái cho đến bây giờ, luôn luôn công kích, vu khống và xuyên tạc những người biểu tình và các cuộc biểu tình của những người Việt Nam yêu nước ở Hà Nội trong thời gian họ tham gia biểu tình chống Trung Quốc gây hấn. Không những họ nhìn nhận rằng tham gia các cuộc biểu tình là những người mà họ cho là bị thế lực thù địch lợi dụng, hoặc là những người bất mãn với nhà nước v.v… mà họ còn xuyên tạc cả ý nghĩa tốt đẹp của những cuộc biểu tình.”
Tác dụng ngược
Tác dụng ngược
Sống ở Hà Nội, mình nghe nhiều bản tin loại ấy rồi thì tự nhiên mình thấy bình thường. Bình thường ở góc độ là người ta nói dối và xuyên tạc trơ trẽn quá.Ô. Nguyễn Chí Đức
Đây không phải là lần đầu tiên Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội đưa tin sai lệch về các cuộc biểu tình. Năm ngoái, đài này cũng đã phát đi một bản tin về biểu tình, gọi những người đi biểu tình là các phần tử bị thế lực thù địch lợi dụng, đồng thời sử dụng hình ảnh của các nhân sỹ trí thức như nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, TS. Nguyễn Văn Khải… để minh họa cho nội dung bản tin. Nhóm 10 nhân sỹ trí thức Hà Nội đã gửi đơn kiện đài này lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội về tội vu khống, xuyên tạc khi cho rằng những người tham gia biểu tình là “phản động”. Thế nhưng vụ kiện đã không đi tới đâu.
Lần này, với việc đưa ra lời hứa sẽ đưa thông tin chi tiết về việc bắt được đối tượng trả tiền cho người tham gia biểu tình, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội đã bị chính khán giả của mình “bắt giò” khi không đưa được chứng cứ cụ thể. Những mẩu video clip ghi lại nội dung hai bản tin đã được gửi đi trên khắp các trang mạng xã hội. Không chỉ có khán giả ở Hà Nội, mà ngay cả những người dân ở thôn quê trước đây còn bán tin bán nghi về những bản tin từ Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội cho rằng những người tham gia xuống đường là “phản động” thì nay họ được dịp nhìn nhận lại mọi chuyện từ việc so sánh hai bản tin.
Trong bản tin phát buổi trưa 5/8, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội còn nêu đích danh một số người thường tham gia biểu tình và gọi những người này là những đối tượng chuyên “tụ tập đông người, gây mất trật tự công cộng”. Một trong những người bị nêu tên là anh Nguyễn Chí Đức cho biết:
“Mình không ngạc nhiên lắm đâu. Sống ở Hà Nội, mình nghe nhiều bản tin loại ấy rồi thì tự nhiên mình thấy bình thường. Bình thường ở góc độ là người ta nói dối và xuyên tạc trơ trẽn quá. Trước đây một vài lần thì mình có bức xúc, nhưng họ làm nhiều lần, trơ trẽn nhiều quá thì mình cũng chả thấy bức xúc nữa mà thấy bình thường. Bình thường ở đây là nằm trong cái suy nghĩ bất bình thường của chế độ.”
“Mình không ngạc nhiên lắm đâu. Sống ở Hà Nội, mình nghe nhiều bản tin loại ấy rồi thì tự nhiên mình thấy bình thường. Bình thường ở góc độ là người ta nói dối và xuyên tạc trơ trẽn quá. Trước đây một vài lần thì mình có bức xúc, nhưng họ làm nhiều lần, trơ trẽn nhiều quá thì mình cũng chả thấy bức xúc nữa mà thấy bình thường. Bình thường ở đây là nằm trong cái suy nghĩ bất bình thường của chế độ.”
Sau khi hai bản tin của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội được đưa lên mạng, rất nhiều phản hồi đã được đăng lên phản ánh về mức độ khả tín của đài này. Nhiều người cho rằng chính hai bản tin hôm 5/8 đã trở thành một mũi tên bắn ngược vào mục tiêu ban đầu của việc đưa các bản tin trên.
TS. Nguyễn Xuân Diện nhận định:
“Tôi cho rằng là chuyện vu khống hòng dập tắt các cuộc biểu tình hay che giấu việc bắt người của công an thì Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội đã làm một việc có tính chất đi ngược lại ý định ban đầu của họ.”
Những người tham gia biểu tình cho rằng việc đưa tin không đúng sự thật về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội đã trở thành một công việc mang tính chất hệ thống. Lý do là vì hành động này được thực hiện nhiều lần và cùng một lúc với một số phương tiện truyền thông địa phương khác mỗi khi có biểu tình hay xảy ra việc bắt bớ người biểu tình.
Trong vụ biểu tình hôm 5/8, có khoảng 30 người cũng đã bị bắt đưa lên xe buýt chở đến trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà. Trong khi đó, nhiều người cho biết hai cuộc biểu tình khác cũng diễn ra cùng ngày, một về khiếu kiện đất đai, hai là vụ xuống đường của những người đồng tính, đã không bị lực lượng an ninh bắt bớ, ngăn chặn hay gây khó dễ như đối với những người xuống đường chống Trung Quốc gây hấn.
Nguồn: RFA Tiếng Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét