Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Hai người vợ của hai TBT báo công an tại Hà nội mất khi còn trẻ !

 Trước đây một tháng, người vợ trẻ của một TBT báo có chữ công an...tại Hà nội cũng đột ngột ra đi, sao vợ các TBT báo công an lại cứ phải chịu những số phận như thế ?


Hữu Ước và cú đánh của số phận
 Mùng 1 Tháng 7 dẫu là dương nhưng từ lâu tôi coi như tháng âm. Thế gian như chấp chới, hỗn mang trong hơi hướng âm nhỉnh hơn dương? Đi Thái Bình, Thanh Hóa thắp hương cho 13 Liệt nữ TNXP hy sinh ở Núi Nấp, Thanh Hóa. Nghỉ ở Thanh Hóa đêm 1-7, bốn rưỡi sáng đương lơ mơ, tin nhắn của một người thân Chị Lý vợ anh Hữu Ước bị tai nạn mất rồi!
Bà Nguyễn Thị Lý (giữa) trong lần cùng Chi hội phụ nữ Báo CAND thăm, tặng quà cựu Thanh niên xung phong tại Quảng Bình (năm 2009)
            Ảnh: Duy Hiển
Bà Nguyễn Thị Lý (giữa) trong lần cùng Chi hội phụ nữ Báo CAND thăm, tặng quà cựu Thanh niên xung phong tại Quảng Bình (năm 2009).  Ảnh: Duy Hiển.
Giường bên, nhà ngoại cảm đi cùng chừng như tường hết vẻ thảng thốt của người chung phòng. Trong tư thế tọa thiền, ông lầm rầm ngày Hắc Đạo lại Tam Nương. Ngày xấu. Ba phần lành bảy phần dữ. Bà ấy Đinh Dậu hả? Ngày hôm nay là Quý Hợi, Đinh khắc Quý...
2. Nghe vậy thì biết vậy! Nhưng bắt đầu từ cú nhắn tin, cứ chập chờn, lờ mờ như thứ phim âm bản hình ảnh người vợ Hữu Ước. Có lẽ chả công bằng tẹo nào, bao nhiêu những giấy mực cho cái người thành danh hanh thông Hữu Ước nhưng hình như chưa có chữ nào về Lý, Nguyễn Thị Lý, vợ Ước.
Cái năm Hữu Ước mới ra tù (chuyện đi tù của Hữu Ước có lẽ dung lượng của một cuốn sách dày hoặc những bộ phim gồm nhiều trường đoạn thì mới tạm tải hết?) Lý mỗi sáng nhỏ thó trên cái yên xe đạp.
Lý như chìm lút giữa hai chồng hộp các-tông ngất nghểu. Nguồn sống chính của vợ chồng Hữu Ước và hai đứa con bé như cái kẹo trông chờ cả vào những chồng, những đống hộp bao bì đựng bánh mứt kẹo mà chủ lực vẫn là Lý hí húi cả đêm gấp, xếp. Sáng ra đi bỏ cho các mối!
Có một đêm đã khuya lắm, từ quán bia bung biêng theo Hữu Ước tạt qua nhà. Hữu Ước khi ấy chưa có nhà. Đương phải tá túc nhờ một gian của ông T. Mất điện.
Ngọn đèn hoa kỳ hắt bóng Lý đương âm thầm giã cối ngải cứu cho đứa con gái sốt... Âm thanh canh cách khẽ thôi nhưng Hữu Ước quát ầm ầm là khẽ cho gia đình ông chủ ngủ.
Nể chủ nhà, hay thương vợ chả biết? Sau này mới biết thêm Hữu Ước thường có cái lối ồn ã với vợ con cùng thuộc cấp. Nhưng ai cũng biết có thương có quý thì lão mới có kiểu quát tháo như thế?
Đận ấy đương đêm lạnh miền Tây, Hữu Ước lầm bầm trong chăn yên cho người ta ngủ... thì ra từ Hà Nội, Lý gọi điện thoại nhắc ông chồng nhớ uống thứ thuốc chi đó? Lão này có kiểu thương vợ đến lạ. Người ta lặng yên hoặc dịu dàng, nhưng lão cứ gắt mù...
Lần Hữu Ước đeo hàm Trung tướng rồi được phong Anh hùng Lao động, cánh bạn bè ép Lý nhấp tí bia khen rằng phu nhân tướng quân những là đảm phụ tháo vát những là vượng phu ích tử!
Có người vợ như thế thì tướng Ước mới hanh thông này khác, đâu dám phụ vợ? Lý nhìn ông chồng cười cười trung tướng chả bằng hồi trung úy... Cả bọn cười phá nói Lý chê Hữu Ước phong độ không còn được như hồi trẻ.
Có người nói Lý hơi bị thâm có ý nhắc ông chồng ở ngôi cao nhưng nhớ phải đằm thắm như cái hồi gian khó, tao khang?
Tao khang là tấm cám. Thuở xưa các cụ hay nhắc thời gian khó của vợ chồng mới lập thân lập nghiệp có khi phải qua bữa bằng thứ tấm mẳn như thế? Thời nay ít ai nhắc?
3. Dừng chỗ con dốc thấp trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Yên Thủy ( Km 444+ 300) nơi hồi đêm Lý bị nạn. Gọi cho cô H. đi cùng. H. đương phải nằm viện theo dõi... H. nghẹn ngào cho biết khi bị lật xe, mấy chị em cô cháu lồm cồm bò ra, cô Lý còn mau mắn hỏi han sờ nắn mấy người rằng chúng mày có bị sao không? Khi lên xe cứu thương vẫn tỉnh táo.
Cái thứ tỉnh táo chết người của những cú chấn thương sọ não. Lý mất trên chuyến xe trực chỉ đến một bệnh viện lớn ở Hà Nội khoảng gần 3 giờ sáng không kịp trăn trối nói năng lại điều chi!
Trung tá Dũng, Phòng CSGT CA tỉnh Hòa Bình đêm qua có mặt chỗ Lý bị nạn cho biết, con dốc này khá nguy hiểm nhất là thời điểm trời mưa, đường trơn, tầm nhìn hạn chế. Vừa mới đặt ở đây mấy tháng tấm biển báo hạn chế tốc độ, dốc nguy hiểm. Thế mà đùng cái...
Chiều trời tạnh ráo. Ngó những bụi sim lác đác bên con dốc hồi đêm qua chắc cũng vô tình bầm đỏ sắc tím lịm như thế này lúc xe Lý bị lật? Gọi cho Hữu Ước.
Người cầm máy nói khẽ là Ước đương mệt, nằm khóc... Chợt nhớ từ thi nhân, những Phạm Thái, Nguyễn Khuyến, Hữu Loan cho đến bậc vua chúa như Tự Đức đều khóc vợ! Hình như kiểu khóc vợ của Nguyễn Khuyến hơi hợp với quá khứ lẫn cái thì tương lai gần của Hữu Ước? Bởi nó hơi nhang nhác cung cách tất tả của Hữu Ước khi nhấp rượu với hút thuốc lào.
Nhà chỉn rất nghèo nhờ được bà hay lam hay làm thắt lưng bó que xắn váy quai cồng tất tưởi chân đăm đá chân chiêu vì tớ đỡ đần trong mọi việc/ Bà đi đâu vội bấy để lão vất va vất vưởng, tóc búi củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa chạm tay chén cùng ai kể lể chuyện trăm năm
Có người nói Tự Đức Mỹ nữ trăm người còn lại một người/ Thơ viết ngàn bài còn lại một bài khóc vợ! Bài khóc vợ ấy có câu Đập cổ kính ra tìm lấy bóng / Xếp tàn y lại để dành hơi.
Thủ khoa Nghĩa (Bùi Hữu Nghĩa đỗ Giải nguyên trường Hương Gia Định năm 28 tuổi năm Minh Mạng thứ 16 năm 1835) trẻ thế khi vợ mất có câu thống thiết thế này Đất chẳng phải chồng sao nỡ thịt xương gửi đó/ Trời mà mất vợ thử xem gan ruột mần răng.
Thi sĩ Hữu Ước lúc này nằm khóc đã đành! Còn khóc vợ theo kiểu của tiền nhân thì chưa biết? Gượng gắng lên ông bạn già, sau cú đánh tai ác này của số phận!
Đêm Mồng 1 tháng 7
Như tin đã đưa, Thượng tá Nguyễn Thị Lý - Phó trưởng Phòng tài vụ - Tổng cục Xây dựng Lực lượng – Bộ Công an (là vợ của nhà văn, Trung tướng Nguyễn Hữu Ước - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Xây dựng Lực lượng – Bộ Công an, Tổng biên tập báo Công an Nhân dân) đã qua đời ngày 1-7-2012 vì tai nạn giao thông tại địa phận huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Xuân Ba - TP online

1 nhận xét:

  1. Một bạn đọc7/05/2012

    "Phũ phàng chi bấy Hóa Công"... Dù muộn màng vẫn xin chân thành phân ưu cùng trung tướng-nhà văn-nhà báo-nhà thơ-kịch tác gia-họa sĩ, anh hùng LLVT Hữu Ước cùng tang quyến. Trách ông trời có mắt mà sao nỡ chẳng cho không ai cái gì bao giờ, hỡi trời !

    Trả lờiXóa