Ngày 10.4, bộ Y tế đã công bố dự thảo đề án giảm tải bệnh viện, trong đó có mục tiêu cụ thể giảm quá tải bệnh viện cho từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2015, bộ Y tế tập trung giảm tải cho một số bệnh viện tuyến Trung ương. Nhiều hướng giảm tải được bộ tính đến nhưng xem ra đây vẫn là dự án ít tính khả thi.
Giải pháp nhiều nhưng...
Bệnh nhi từ An Giang và Tây Ninh lên điều trị tại Nhi Đồng 1, TP.HCM, phải nằm ngoài hành lang. Ảnh chụp ngày 29.3. Ảnh: Thanh Hảo
|
Biện pháp mạnh trước mắt được bộ Y tế đưa ra là tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, mà cụ thể là mở rộng các bệnh viện đang rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng. Đến năm 2015, sẽ tăng tỷ lệ 25 – 27 giường bệnh/vạn dân thay vì 20 giường/vạn dân như hiện nay. Bệnh viện K sẽ có thêm cơ sở 3 với 1.000 giường bệnh. Bệnh viện Bạch Mai cũng tăng lên 3.500 giường bệnh. Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ được xây thêm cơ sở mới, xây thêm các khu điều trị (trung tâm ung bướu 12 tầng, khu nhà điều trị tám tầng, tim mạch 15 tầng…) Tại TP.HCM, phát triển cụm y tế cửa ngõ như các bệnh viện Thủ Đức, Bình Chánh, quận 7, Củ Chi…
Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, bộ Y tế cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể. Giải pháp đầu tiên là phải bằng mọi cách tăng số giường bệnh. Giải pháp số hai là tăng cường năng lực tuyến huyện và tuyến tỉnh. Giải pháp số ba là sử dụng hệ thống bệnh viện vệ tinh. Thứ tư là phát triển bác sĩ gia đình. Thứ năm là đào tạo nhân lực, đồng thời quảng cáo bệnh viện tuyến dưới đến người bệnh.
... Khó thực hiện
Trên thực tế, hiện nay bệnh viện tuyến trên thì quá tải trong khi bệnh viện tuyến dưới thì “ế ẩm”. Năm 2011, xét trên tổng thể hệ thống khám chữa bệnh, công suất sử dụng giường bệnh chung của toàn quốc là 110%, có nghĩa là sự quá tải thực của mạng lưới khám chữa bệnh chưa đúng. Nhiều khu vực tỷ lệ sử dụng giường bệnh thấp như Bắc Trung bộ 69,7%; miền núi phía Bắc 48,2%; Tây Bắc 11,8%...
Đề án mới chỉ là dự thảo nhưng đã vấp phải hàng loạt khó khăn. Một thành viên tham gia đề án cho biết, đây mới chỉ là đề án còn khả năng thực hiện rất khó. Cơ chế tài chính cần thay đổi nhanh, cụ thể chứ không phải đầu tư lâu dài. Các giải pháp nêu lên đều chung chung, chưa cụ thể và thiếu thực tế. Hơn nữa, hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến trên đang thực hiện nghị định 43 về tự chủ tài chính. Do đó, bệnh viện phải dùng mọi cách để tăng nguồn thu về. Xảy ra tình trạng này là do nhiều bệnh viện phải duy trì công suất giường bệnh ở mức cao nhất để có thể đảm bảo nguồn thu. Bệnh nhẹ, bệnh nặng các bệnh viện đều nhận cả. Liệu mở rộng quy mô có giảm quá tải hay lại quá tải thêm?
Ngay cả việc tăng quy mô giường bệnh đang được chú trọng thì theo ông Nguyễn Hoàng Long, vụ phó vụ Kế hoạch tài chính (bộ Y tế), cần cảnh giác với bệnh viện lớn. Bệnh viện Bạch Mai được dự kiến 3.500 giường bệnh là quá nhiều. Ngay cả thế giới cũng chưa có bệnh viện nào có số giường cao như thế.
L. Hà - SG net.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét