Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Dân trí ơi là dân t...rí !

 LPV : Trong khi các báo đồng loạt đưa tin về vụ lừa tráo đổi thủy tinh thể ở Viện mắt Hà nội, thanh tra của sở y tế Hà nội đã ra kết luận về sai phạm của vị giám đốc Thanh này thì báo Dân trí có bài viết theo đơn đặt hàng nhân ngày 8 tháng 3. 
     Không hiểu các phóng viên viết bài có đọc báo mạng không ? Theo điều tra của phóng viên thì mới ngay chiều qua, ngày 7 tháng 3, giám đốc sở y tế, bí thư chi, thanh tra sở y tế Hà nội vừa phải họp với Bà Lê  Hiền Đức về vụ này, họ đã hứa sẽ giải quyết sai phạm  của thị Thanh này đến nơi đến trốn trước ngày 20 tháng 8. 
    Bà Lê hiền Đức còn cho biết : nếu không làm được như đã hứa thì bà sẽ cho trợ lý đăng tin lên mạng xã hội, đề nghị những ai đã từng thay thủy tinh thể tại Viện mắt Hà nội liên lạc với bà để khởi kiện bệnh viện và vị bác sỹ, giám đốc  này  ra tòa  ! Dân trí ơi là dân t...rí ! Nữ bác sĩ có “bàn tay vàng” tìm lại ánh sáng cho người bệnh 




    (Dân trí) - Gắn bó với Bệnh viện Mắt Hà Nội từ ngày mới thành lập, bác sĩ Vũ Thị Thanh, Giám đốc bệnh viện, đã gần 20 năm miệt mài tìm ánh sáng cho người bệnh. Với chị, giây phút hạnh phúc nhất là thời khắc bệnh nhân tháo băng mắt tìm lại được ánh sáng.

Người mang lại ánh sáng cho người bệnh

   Tiếp chúng tôi trong những phút thảnh thơi hiếm hoi trước ngày Phụ nữ Việt Nam 8/3, bác sĩ Vũ Thị Thanh chốc chốc lại xin lỗi ngừng câu chuyện để giải quyết công việc tại bệnh viện và tham vấn chuyên môn cho các ca bệnh phức tạp. Mỗi lần như vậy, chị lại ái ngại thanh minh: “Mắt là vùng đặc biệt nhạy cảm và vô cùng quan trọng đối với mỗi con người. Với các ca bệnh khó, chúng tôi phải cẩn trọng vô cùng bởi một quyết định dù nhỏ cũng là ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối của bệnh nhân suốt cả cuộc đời”. Đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi với chị, nữ bác sĩ với đôi bàn tay “phù thủy” đã tìm lại ánh sáng cho hàng ngàn đôi mắt tật nguyền trong suốt hơn 20 năm hành nghề nhãn khoa.
Bác sĩ Vũ Thị Thanh cởi mở chia sẻ việc chọn nghề y làm nghiệp cả đời là theo nguyện vọng của bố, nhưng cho đến bây giờ, chưa khi nào chị cảm thấy hối tiếc với lựa chọn của mình. “Trăn trở hàng ngày của tôi là làm sao đưa được việc điều trị nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt Hà Nội tiếp cận gần nhất với những thành tựu chữa trị hiện đại của thế giới để đem ánh sáng lại cho ngày càng nhiều những ca bệnh phức tạp”, bác sĩ Thanh bày tỏ.
Bác sĩ Vũ Thị Thanh - Giám đốc bệnh viện Mắt Hà Nội - nhận hoa chúc mừng ngà Phụ nữ Việt Nam.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1992, bác sĩ Vũ Thị Thanh được phân công công tác tại khoa Mắt - Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội). Năm 1995, khi khoa Mắt Bệnh viện Đống Đa kết hợp với Trung tâm mắt thành Bệnh viện Mắt Hà Nội, bác sĩ Thanh là một trong những bác sĩ chuyên khoa đầu tiên được cử về công tác.
Năm 1998, khi phương pháp phẫu thuật Phaco (phẫu thuật thể thủy tinh bằng phương pháp siêu âm) có thể giải phóng mù lòa cho những bệnh nhân gặp vấn đề về thủy tinh thể được áp dụng rộng rãi trên thế giới thì tại Việt Nam, phương pháp này vẫn chưa được đưa vào điều trị. Vì vậy, bác sĩ Vũ Thị Thanh cùng một số bác sĩ đã được cử sang Ấn Độ học phương pháp phẫu thuật này đưa về áp dụng tại Việt Nam. Khi về nước, từ những kiến thức học được, bác sĩ Thanh tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành luận văn thạc sĩ nhãn khoa ứng dụng điều trị bằng phương pháp Phaco rộng tãi tại bệnh viện Mắt Hà Nội.
Với những nỗ lực phấn đấu trong công tác cũng như chuyên môn nghiệp vụ, tháng 7/2010, bác sĩ Vũ Thị Thanh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội nhưng chị vẫn tham gia các hoạt động chuyên môn trong việc hội chẩn và mổ trực tiếp những ca bệnh khó.
Trong hơn hai mươi năm chữa trị nhãn khoa, số bệnh nhân tìm lại được ánh sáng qua đôi bàn tay của mình, chị Thanh không thể nhớ hết. Nhưng có những trường hợp để lại ấn tượng sâu sắc khiến chị không thể nào quên. Chị kể lại chuyến đi mổ mắt từ thiện với tổ chức Hope today tại Kim Thành - Hải Dương vào mùa đông năm 2009.

Với "bàn tay vàng", dù ở cương vị giám đốc bệnh viện, bác sĩ Thanh vẫn trực tiếp tham gia phẫu thuật những ca bệnh khó.

“Hôm đó, trời rét căm căm. Tôi đang bị sốt cao nhưng đã đồng ý với lời mời của tổ chức Hope today nên vẫn lấy hết sức cố gắng. Tổ chức từ thiện tài trợ toàn bộ kinh phí còn tôi hỗ trợ về chuyên môn. Chúng tôi đến Kim Thành - Hải Dương mổ mắt miễn phí hay chuyên môn gọi là “Giải phóng mù lòa” cho hơn 170 cụ cao tuổi trong 2 ngày. Ngày đầu tiên, mỗi khi vào ca mổ tôi lại uống một viên thuốc hạ sốt. Từ 8 giờ sáng đến 22 giờ tối, tôi thực hiện mổ liên tục được cho hơn 100 cụ. Nhưng vui mừng nhất là sau khoảng 2 tuần chúng tôi trở lại khám thì tất cả các cụ đều nhìn lại được và diễn biến tốt”, bác sĩ Thanh phấn khởi kể lại.
Hay như trường hợp một cụ già hơn 100 tuổi được con cháu cõng đến bệnh viện chỉ với mong muốn được phẫu thuật mắt để trước lúc đi xa được thấy mặt lại con cháu. Sau khi nghe nguyện vọng của cụ và con cháu, bác sĩ Thanh trực tiếp thực hiện ca mổ. Khi băng mắt vừa tháo, sau một lát yên lặng, cả cụ già và con cháu cùng òa khóc khi đôi mắt cụ đã sáng lại được.
“Với những bác sĩ nhãn khoa như chúng tôi, những giây phút hồi hộp lo âu nhất và vui sướng tột cùng nhất là thời khắc người bệnh tháo băng mắt và tìm lại được ánh sáng”, bác sĩ Thanh chia sẻ.
Điểm tựa vững chắc từ gia đình
Bên cạnh các hoạt động khám chữa bệnh tại trụ sở, từ năm 2010, bác sĩ Thanh cho biết bệnh viện Mắt Hà Nội chủ trương tham gia các hoạt động từ thiện xã hội để tạo điều kiện cho người bệnh không có điều kiện tiếp xúc với việc điều trị mắt.
Từ năm 2010, bệnh viện thực hiện dự án chăm sóc mắt trẻ em TP Hà Nội: thực hiện khám, sàng lọc cấp kính miễn phí cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Trong 2 năm thực hiện, bệnh viện đã thực hiện khám cho khoảng 40 nghìn em học sinh, cấp phát gần 5 nghìn kính mắt, mổ dị tật cho hàng trăm học sinh. Tất cả đều miễn phí.
Với vai trò giám đốc bệnh viện, điều làm bác sĩ Thanh trăn trở nhiều nhất là làm sao để nâng cao được đời sống của anh em cán bộ công nhân viên. Bệnh viện Mắt Hà Nội có đến 80% với khoảng trên 100 nhân viên nữ. Chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 8/3, bệnh viện cũng đã tổ chức mít tinh và các cuộc thi nội trợ như một món quà tinh thần chúc mừng các chị em phụ nữ.
Bác sĩ Thanh hạnh phúc vì gia đình luôn là điểm tựa vững chắc nhất.

   Đã sắp bước sang tuổi 50, với nhiều cương vị từ bác sĩ nhãn khoa chuyên sâu, giám đốc bệnh viện Mắt Hà Nội, nghiên cứu sinh sắp bảo vệ luận án tiến sĩ nhưng bác sĩ Vũ Thị Thanh vẫn là một người vợ hiền, người mẹ đảm đang và người con hiếu thảo khi cố gắng thu xếp dành thời gian tối đa nhất chăm sóc gia đình. Bởi “gia đình là điểm tựa vững chắc nhất, tiếp sức để tôi có thể trở thành người phụ nữ của xã hội” - chị tâm sự.
Có chồng là kỹ sư xây dựng thường xuyên phải xa nhà, một tay chị chăm sóc, dạy dỗ hai con. Thương mẹ vất vả, các con của chị tự bảo nhau phấn đấu học tập. Con gái lớn đang học đại học kinh tế tại Anh. Con trai mới hợp lớp 8 nhưng năm nào cũng giành thành tích xuất sắc, là niềm tự hào và nguồn động viên lớn nhất để chị phấn đấu hoàn thành các công việc xã hội của mình. Năm 2011, BCH Công đoàn y tế Hà Nội đã trao công nhận danh hiệu Gia đình tiêu biểu ngành y tế Hà Nội cho gia đình bác sĩ Vũ Thị Thanh. Đó là món quà xứng đáng giành cho một người phụ nữ giàu đức hy sinh và cống hiến như chị.
Anh Thế - Quốc Đô
 Net

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Lại chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh.

- Liên bộ Y tế- Tài chính vừa ban hành thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT- BYT- BCT ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước.
Trước đó, Chính phủ đã chấp nhận chủ trương tăng giá viện phí do liên bộ Y tế- Tài chính – lao động, thương binh và xã hội đề xuất. Theo thông tư này, ban hành mới khung giá 447 dịch vụ khám, chữa bệnh, gồn 445 dịch vụ y tế và giá khám bệnh, giá ngày giường bệnh. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15.4.2012; bãi bỏ khung giá một phần viện phí ban hành kèm theo liên bộ số 14/TTLB ngày 30.9.1995 của liên bộ Y tế, Tài chính, Lao động - thương binh và xã hội, ban Vật giá Chính phủ. Đồng thời, bãi bỏ 80 dịch vụ tại “khung giá một phần viện phí” ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 03/2006/ TTLT. Theo quy định của Luật khám, chữa bệnh, bộ Y tế có trách nhiệm quy định mức thu tại các bệnh viện tuyến trung ương do bộ quản lý; UBND tỉnh, thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định mức thu do địa phương quản lý.
Thời gian qua, sau nhiều lần dự thảo liên bộ đã đưa ra giá của hơn 400 dịch vụ. Mức giá này tăng hơn so với mức hiện hành từ 30-40%, trong đó có 5 dịch vụ giảm giá. Chênh lệch giữa giá tối thiểu và giá tối đa theo quy định mới khoảng 5 tới 10%.
L.HÀ - sgtt

Thuốc tây giả vô phương kiểm soát !

      Khi đề cập đến tình trạng thuốc giả tại thị trường Việt Nam và cụ thể là TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, lắc đầu: Không thể quản nổi. Ai cũng có thể mua được máy móc, ai cũng có thể làm được thuốc giả.
      Theo bà Phong Lan, hết sức khó khăn để nhận biết được thuốc giả hay thuốc thật. Thanh tra sở Y tế chỉ được quyền kiểm soát trong phạm vi cấp phép, ngoài phạm vi này chỉ có quản lý thị trường và công an kinh tế mới có quyền. Khi nghi ngờ rằng, nhà thuốc có bán thuốc giả, phải lấy thuốc giả và thuốc thật ấy đi kiểm nghiệm, một thời gian sau mới có kết quả. Việc xử phạt hành chính chỉ mang tính răn đe.
Ngộ độc thuốc tây ngày càng tăng có nhiều lý do: một phần về phía cán bộ y tế và phần kia do người bệnh nên đã gây ra những tai nạn về thuốc, dĩ nhiên có sự góp phần của thuốc giả, thuốc quá hạn sử dụng gây nên.
     Một cuộc khảo sát ở bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho thấy trong các loại ngộ độc được đưa vào cấp cứu, ngộ độc thuốc chiếm 50%, trong số đó thuốc chống nôn chiếm tới 30%. Theo con số thống kê của bệnh viện Chợ Rẫy năm 2009, tổng số bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc 2.449, trong đó ngộ độc thuốc tân dược và hoá chất chiếm 22,1%. Ngộ độc thuốc an thần, thuốc ngủ, nếu năm 2006 chỉ có 87 người, đến năm 2009 tăng lên 111 người. Ngộ độc thuốc giảm đau, hạ sốt: năm 2006 có 45 người, đến năm 2009 tăng lên 51 người. Khi dùng phải thuốc giả, kém chất lượng, người bệnh thường lâm vào tình trạng nhẹ thì nôn mửa, nhức đầu, mẩn ngứa... nặng hơn là dị ứng toàn thân, phù căng, tím tái, sốc, truỵ tim mạch, rối loạn tiêu hoá, nhiễm độc thần kinh... rồi tử vong. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, người tiêu dùng dược phẩm nên yêu cầu dược sĩ bán thuốc phải ghi giá tiền và ký tên vào đơn thuốc. Nếu không, khi người bệnh uống thuốc mà bị ngộ độc, sốc thuốc thì khó có đủ bằng chứng để bảo vệ mình.

     Theo thống kê của cục Quản lý dược: năm 2005, tỷ lệ thuốc giả chỉ 0,09%, đến năm 2009 đã tăng lên 0,12%. Cũng trong năm 2009, bộ Y tế đã đình chỉ 105 lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các cơ quan kiểm nghiệm thuốc trung ương và địa phương lấy hơn 31.000 mẫu để kiểm nghiệm chất lượng (trong đó có 3.190 mẫu thuốc nhập khẩu). Kết quả cho thấy 1.051 mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó thuốc nhập khẩu chiếm 13,3%.
HOÀNG NHUNG - sgtt

Giám đốc sở y tế " bị lừa".

Sáng 5/3, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký quyết định buộc ông Phùng Xuân Quýnh, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai thôi chức vụ chờ nghỉ hưu. Nguyên nhân được cho là với cương vị Chủ tịch Hội đồng giám định thuốc, ông Quýnh có liên quan đến các sai phạm trong quá trình đấu thầu thuốc từ nhiều năm nay.
Ông Phùng Xuân Quýnh đang giải trình trước UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thanh Luận.
Ông Phùng Xuân Quýnh đang giải trình trước UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thanh Luận.
    Theo kết quả thanh tra của tỉnh, thông thường, căn cứ vào tình hình nhu cầu mua thuốc của năm trước, ngành y tế phối hợp cùng với bảo hiểm xã hội tiến hành đấu thầu thuốc để cung cấp cho bệnh viện phục vụ khám chữa bệnh. Trong năm 2009, Sở Y tế có 160 danh mục thuốc mời thầu thì 15 danh mục đưa ra giá cao hơn giá dự thầu và không sát với thị trường nhưng vẫn trúng thầu. Thậm chí có loại thuốc có tỷ lệ giá vượt giá đến 634,7% so với giá thị trường.
Chỉ riêng trong hai năm 2009 và 2010 có đến 29 danh mục thuốc giá dự toán cao ngất ngưởng so với giá thị trường. Thuốc Mebendazol 500mg, sản xuất tại Việt Nam giá dự toán 4.500 đồng một viên, trong khi giá thực tế chỉ có 709 đồng, chênh lệch 634,7%. Thuốc chai Amikacin 500mg/100ml sản xuất tại châu Á, giá dự toán 52.500 đồng một chai trong khi giá thực tế thị trường chỉ có 13.311 đồng một chai, chênh lệch 394,4%. Thuốc Cefixim 100mg sản xuất tại Việt Nam giá dự toán 7.035 đồng một viên, trong khi giá thị trường chỉ có 1.512 đồng, chênh lệch 465%...
Trong 600 trên 2.475 hồ sơ danh mục thuốc dự thầu (từ năm 2008 đến 2010) có 83 hồ sơ được thẩm định thầu không đúng với hồ sơ mời thầu, lại chọn giá thuốc cao để trình duyệt trúng thầu. Thuốc sản xuất tại Việt Nam “biến” thành thuốc sản xuất ở một số nước châu Á. Thuốc sản xuất châu Á lại được Hội đồng giám định thuốc công nhận là xuất tại các nước châu Âu,
Theo kết quả thanh tra, trong 83 hồ sơ có 65 hồ sơ danh mục thuốc, tổ chuyên gia xét thầu không thực hiện đúng yêu cầu mời thầu như: Giấy chứng nhận GMP (thực hành tốt việc sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) do cơ quan có thẩm quyền cấp đã hết hạn hoặc CPP (Giấy chứng nhận sản phẩm dược) hết hạn… Việc làm này gây thiệt hại ngân sách và người bệnh nhưng lại làm lợi cho doanh nghiệp trúng thầu hơn 2 tỷ đồng.
Khi xét giá trúng thầu, tổ chuyên gia chọn thầu lại không chọn đơn vị bỏ giá thấp nhất mà chọn giá thuốc trúng thầu cao, gây thiệt hại ỷ đồng cho người bệnh, quỹ bảo hiểm y tế và làm lợi doanh nghiệp.
Khoảng tháng 6/2011, sau khi có kết luận của thanh tra tỉnh Gia Lai về hàng loạt sai phạm của Sở Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo chuyển hồ sơ sang công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau 5 tháng điều tra, giám định về tài chính, ngày 18/11/2011, Công an tỉnh Gia Lai đã thực hiện lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở, bắt khẩn cấp đối với Phan Minh Hiếu - Phó trưởng Phòng nghiệp vụ Y và Đoàn Cường - Phó trưởng Phòng nghiệp vụ Dược (Sở Y tế Gia Lai) vì đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã có quyết định đình chỉ công tác đối với 2 Phó Giám đốc Sở Y tế là Nguyễn Công Nhân, Đặng Đức Châu.
Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố 6 người gồm: Nguyễn Công Nhân, Đặng Đức Châu; Rah Mah Blih - Trưởng Phòng kế hoạch tài vụ; Bùi Ngọc Thư - Phó trưởng Phòng kế hoạch tài vụ kiêm Kế toán trưởng; Lê Khánh Lân - cán bộ Phòng kế hoạch; Nguyễn Thị Kim Liên - chuyên viên Phòng nghiệp vụ Dược.
Theo cơ quan điều tra, kết quả giám định thiệt hại về tài chính do nhóm này gây ra trong 3 năm đến 2010 lên đến gần 9 tỷ đồng.

Hối lộ lũng đoạn giá cả dược phẩm ở Việt nam - Quốc nạn.


 

Ben Hirschler – Reuters
Diên Vỹ chuyển ngữ
-
Làm cách nào để đo lường nạn tham nhũng y tế? Nguyễn Tuấn Anh, một nhà nghiên cứu tại Đại học Y Dược Hà Nội, cho rằng việc chi trả không chính thức cho các bác sĩ là “yếu tố chủ yếu” trong việc tăng giá của những loại thuốc cũ hết hạn độc quyền vốn chiếm một thị phần lớn của ngành dược phẩm trong nhiều nền kinh tế đang phát triển.
Sau khi phỏng vấn những bác sĩ, các công ty dược, quan chức chính quyền và dược sĩ trong các bệnh viện công và tư, ông Tuấn kết luận trong một nghiên cứu vừa được xuất bản vào năm ngoái rằng khoảng 40% giá thuốc ở Việt Nam thường được dùng để hối lộ cho bác sĩ.
“Khi tôi nói với các đồng nghiệp tại vài quốc gia châu Á, họ nói tình hình của họ cũng tương tự,” ông cho Reuters biết.
Cuộc nghiên cứu của ông chia ra hai thành phần – hợp pháp và bất hợp pháp – đã góp phần vào giá cả dược phẩm ở Việt Nam, và phát hiện rằng từ 40 – 60% thành giá cuối cùng có thể đã được dùng để khuyến khích người kê toa sử dụng những loại thuốc cụ thể nào đấy, và để thuyết phục nhân viên thu mua trong các bệnh viện mua chúng. Phần lớn số tiền được chia cho các bác sĩ.
Nguyễn nói rằng vấn nạn này càng tồi tệ hơn đối với các loại thuốc hết hạn bản quyền (generic) do các công ty châu Á bán, mặc dù nghiên cứu của ông không nêu đích danh những công ty này. Ở Việt Nam giá cả những loại thuốc này đôi khi lại cao hơn cả thuốc gốc vì các công ty dược mua bán loại thuốc này phải bù đắp lại khoản tiền chi trả cho các bác sĩ.
Nhưng các công ty dược từ phương Tây cũng không thoát khỏi nạn này: đại diện các công ty dược đã cho Nguyễn biết rằng các bác sĩ thường đòi hỏi khoảng 15% tiền hoa hồng từ các nhà sản xuất thuốc châu Âu; tỉ lệ hoa hồng họ đòi hỏi từ các nhà sản xuất thuốc châu Á là 40%.
Nghiên cứu này, vốn đã được trình bày tại Hội thảo Phát triển Dược phẩm Quốc Tế tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Mười năm ngoái, đã cho thấy các công ty đa quốc gia thường cấm đoán việc hối lộ, ít nhất là trên hình thức, mặc dù áp lực nhằm đạt được chỉ tiêu bán ra thường có nghĩa là các đại diện tảng lờ lệnh cấm này và đưa tiền hối lộ cho các bác sĩ.
Có lúc các công ty đa quốc gia lại chi trả cho những kỳ nghỉ sang trọng bậc nhất dù việc này vốn bị cấm đoán bởi luật chống lại quả của ngành bào chế thuốc ở Hoa Kỳ.
Các bác sĩ được thăm dò nói rằng họ lấy tiền hoặc hiện vật để bù đắp cho đồng lương thấp của mình, và tiền hoa hồng từ ngành bào chế dược phẩm thường trở thành nguồn thu nhập chính của một số bác sĩ, mặc kệ những bác sĩ uy tín kiên quyết giữ mình “trong sạch”.
Đây là tình trạng mà một nhà bán thuốc nước ngoài nói rằng đang làm đảo lộn cả hệ thống: “Giờ đây bác sĩ càng tồi lại càng có nhiều tiền. Thật quái gở.”

 X - cafe.

Y tế Việt nam - Bắt đầu từ định nghĩa.



Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn
-
Hôm nay, xin hân hạnh giới thiệu một bài viết của một người em: Bs Nguyễn Minh Mẫn. Mẫn với kinh nghiệm lâm sàng dồi dào và được đào tạo từ nước ngoài về y tế công cộng, nên lúc nào cũng đau đáu những suy nghĩ cách phòng bệnh ở qui mô cộng đồng. Bài viết này chỉ bàn về định nghĩa y tế, với một số suy nghĩ theo tôi là đáng chú ý. Bản ngắn bài này đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, còn đây là bản đầy đủ hơn. Xin nói thêm rằng tác giả còn giỏi làm thơ nữa nhé!
Y tế Việt Nam nên bắt đầu từ định nghĩa!
Trong các văn bản pháp quy thuộc lĩnh vực y tế của Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa chính thức sức khỏe là gì. Khi nói đến sức khỏe nhiều người, kể cả cán bộ y tế, nghĩ ngay đến việc khám, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh. Hoặc xa hơn, đó là dự phòng bệnh tật, nghiên cứu khoa học. Nhưng yếu tố tinh thần và xã hội của sức khỏe thì hình như chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Do vậy, các hoạt động và phát triển của y tế Việt Nam, thực sự còn lúng túng, do thiếu một triết lý.
Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO, 1947) định nghĩa “Sức khỏe là sự vẹn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh tật”. Có thể xem định nghĩa này như là triết lý y tế. Chúng ta có thể dùng định nghĩa này để soi rọi lại sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân trong nhiều năm qua. Ngay từ lúc còn trong trường y, sinh viên chủ yếu học về sức khỏe thể chất. Theo đó, chương trình giảng dạy chú tâm vào việc huấn luyện cho các sinh viên y khoa việc truy tìm, xử lý bệnh tật bằng thuốc men, tham gia dự phòng bệnh tật. Hệ quả là khi ra trường và trở thành bác sĩ, kiến thức và nhận thức về tâm lý, và kém kỹ năng trong cách đối nhân xử thế với bệnh nhân, thân nhân, đồng sự, cấp trên, cấp dưới trong môi trường bệnh viện cũng như ở cộng đồng.
Ngoài ra, còn có một nghịch lý về giảng dạy kinh tế. Thật vậy, điều mà bác sĩ quan tâm là kinh tế y tế, cân bằng lợi ích lâm sàng và chi phí điều trị cho bệnh nhân, nhưng họ chỉ được học kinh tế chính trị! Hiếm khi sinh viên được học về các quy trình vận hành, tổ chức, quản lý bệnh viện. Thay vào đó, họ được học về dược lý chứ không biết về giá thuốc và hầu như “mờ mịt” về luật chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, luật dược, pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, luật khám bệnh, chữa bệnh và đặc biệt sinh viên y khoa lâu rồi chưa được học “nghĩa vụ y khoa”!
Tập trung vào sức khỏe thể chất dẫn đến một nền y tế thiếu toàn diện. Nhiều bác sĩ khi ra trường họ chỉ biết đến “bệnh” mà ít chú ý đến “người bệnh”, tập trung trí tuệ để xử lý tốt bệnh tật mà quên đi những giá trị mang tính nhân văn đó là tâm lý và xã hội. Họ tự cho mình là “mẹ”, có toàn quyền ra lệnh, quyết định, la rầy “con bệnh” của mình mà quên rằng, thực sự họ chỉ là những “người bạn” của bệnh nhân. Họ nhận lương bổng, thậm chí trang thiết bị, cả chiếc ghế ngồi của họ đều được đóng góp bằng tiền thuế và các khoản khác của người dân, trong đó, có những người bệnh đang ở trước mặt của họ. Khi ra toa thuốc, họ không biết được giá của ngày công lao động tay chân là bao nhiêu, không biết được giá của một kilogram lúa gạo là bao nhiêu, nên “vung tay quá trán”.
Bs Đỗ Hồng Ngọc từng nói các bác sĩ chữa được cái “đau” mà không giải quyết được cái “khổ”, giải quyết được “bệnh” mà không giải quyết được “hoạn”. Nhưng chữa được cho cái “xác” mà lờ đi cái “hồn” và các “mối quan hệ xã hội”, vốn dĩ không ít là cội nguồn của bệnh tật, là một khiếm khuyết. Nếu một bệnh nhân bị stress, đến bác sĩ đo huyết áp thấy cao, được chẩn đoán bệnh tăng huyết áp, dặn dò ăn uống và được “đe nẹt” một số biến chứng, ra toa thuốc, ra về. Nhiều bác sĩ ít khi biết được bệnh nhân ấy đang bị stress, vừa làm ăn thua lỗ, ly dị, đang chia của, con cái bỏ học, nói chung là có nhiều yếu tố xã hội và tâm lý khác. Có thể nhiều bác sĩ cho là bệnh quá tải, không có thời gian nhiều với bệnh nhân (cũng đúng), nhưng cho dù có nhiều thời gian đi nữa thì thực sự rất ít bác sĩ quan tâm đến những chuyện “ngoài bệnh tật” kể trên (trừ các bác sĩ có kinh nghiệm sống, hoặc đã được huấn luyện “lâu lắm rồi”) vì họ thiếu được rèn luyện những kỹ năng và phương pháp chuẩn mực để tiếp cận các vấn đề tâm lý và xã hội.
Các vấn đề vĩ mô khác về y tế theo tôi cũng xuất phát từ sự xa rời định nghĩa sức khỏe. Chúng ta quen đánh giá nền y tế bằng những chỉ số như tỷ trọng thầy thuốc trên vạn dân, số giường bệnh trên vạn dân, và dựa vào đó, các quan chức y tế kết luận rằng chúng ta thiếu bác sĩ, thiếu giường bệnh, bệnh viện quá tải. Những kết luận đó không hẳn sai, nhưng trong thực tế thì không bao giờ cho đủ số lượng bác sĩ theo nhu cầu, chứ chưa kể chất lượng bác sĩ, lại còn phải hòa nhập với khu vực, quốc tế. Nhưng chúng ta ít quan tâm đến cái gốc xã hội của tình trạng quá tải, của thiếu giường bệnh.
Cái gốc đó là chúng ta quên đi hai yếu tố tinh thần và xã hội của sức khỏe. Quay lại ví dụ về bệnh nhân stress, có thể được giảm nhẹ hoặc “chữa khỏi” nhờ chuyên gia tư vấn, thầy tu, hay một ai đó có uy tín trong họ hàng, bè bạn, trong gia đình hòa giải, tránh cuộc ly dị; con cái bỏ học có thể nhờ giáo viên giúp đỡ, và stress được kiểm soát, huyết áp của bệnh nhân cũng ổn theo, biến chứng có thể không xảy ra, thì đâu cần phải có nhiều bác sĩ điều trị tăng huyết áp, đội ngũ điều trị, chăm sóc biến chứng của tăng huyết áp như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, suy thận mãn. Có lẽ chúng ta chưa quan tâm đúng mức hai yếu tố tâm lý và xã hội của sức khỏe nên quên đi việc chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của mỗi người dân (tự chăm lo cho mình), của toàn xã hội (trong chăm sóc sức khỏe toàn diện) chứ không chỉ của riêng ngành y tế.
Do thiếu cái nhìn toàn diện nên chúng ta đã không huy động triệt để được tất các nguồn lực của xã hội để phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của người dân. Chúng ta cũng đã kêu gọi “xã hội hóa y tế”, nhưng không kêu gọi “xã hội hóa sức khỏe”, chúng ta đã quen gọi “Bộ Y tế” mà thực sự phải là “Bộ Sức khỏe” (Ministry of Health). Danh không chính nên “ngôn không thuận”, khó mà hiệu triệu mọi nguồn lực đi đúng một mục đích và hoạt động có hiệu quả nhất!
Cũng từ nhận thức thiên lệch về sức khỏe thể chất nên việc đầu tư các nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe cũng thiếu hiệu quả. Nguồn tài chính của nhà nước đầu tư cho y tế, đa số chỉ tập trung cho việc xây dựng các bệnh viện, trung tâm chẩn đoán và điều trị, trang bị kỹ thuật càng chuyên sâu, cao cấp ở các thành phố lớn, bệnh viện tuyến tỉnh, còn lại một ít cho bệnh viện huyện, cũng nhằm để “chữa cháy” việc quá tải. Tuy nhiên, các địa chỉ trên chỉ chăm lo sức khỏe cho khoảng 10% dân Việt Nam, còn lại khoảng 90% cần được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu (cũng là cách giảm tải bệnh viện bền vững) thì đầu tư còn rất yếu kém. Qua thực tế, các khoa quá tải ở các bệnh viện thường là khoa Nội Tim mạch, Nhi khoa, Chấn thương, Ung thư, Thần kinh. Hơn phân nửa số bệnh nhân nội trú ở Nội tim mạch là tăng huyết áp, gần 1/3 là bệnh mạch vành, có thể kiểm soát tốt ở ngoại trú; đa số bệnh nhi đến phòng khám bệnh viện là các bệnh nhiểm khuẩn, virus đường hô hấp, tiêu hóa, v.v. có thể chữa tại trạm y tế, chăm sóc tại nhà; nếu tuyên truyền tốt về an toàn giao thông, sử dụng rượu bia thì không có nhiều chấn thương do tai nạn giao thông; giảm thuốc lá, thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt, thì ngừa nhiều bệnh ung thư, bệnh chuyển hóa, giảm các bệnh nhập viện vì tai biến mạch não, tiểu đường.
Giải quyết những vấn nạn vừa nêu không nhất thiết phải đầu tư nhiều tiền của mà cần phải chuyển hướng nhận thức đầu tư hiệu quả vào cộng đồng để giải quyết cho 90% nhu cầu xã hội trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đó là việc đầu tư vào các chương trình truyền thông, giáo dục sức khỏe, sức khỏe học đường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng khi không có thầy thuốc. Đó là việc đào tạo rất ngắn hạn nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm nhiều đối tượng, kể cả thầy tu, sư sãi, ni cô, các sơ, v.v. các tình nguyện viên chăm sóc theo nhu cầu (không nhất thiết họ phải có nhiều kiến thức chuyên môn y tế). Đó là việc kêu gọi các thầy tu dùng chính chùa, nhà thờ làm cơ sở chăm sóc sức khỏe (sau khi được huấn luyện), là việc tăng cường chăm sóc bệnh tại nhà hơn là xây thêm bệnh viện, tăng số giường. Đó là việc kêu gọi gia đình, nhà trường, ngành giáo dục, phối hợp y tế, xã hội tham gia dạy dỗ, hỗ trợ con cái, tăng cường đào tạo kỹ năng sống của học sinh, sinh viên để giảm bớt bạo lực học đường, biết nói không với rượu bia, thuốc lá, lái xe lạng lách và có thể chính các em vận động gia đình mình tham gia giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Đó là việc dạy cho các bác sĩ ở các trạm y tế khoảng 10 bệnh thường gặp ở tại cộng đồng của mình cho thật tinh tường hơn là dạy cho họ chương trình chuyên khoa cấp I để rồi họ không sử dụng tốt ở cộng đồng, họ “bay” về huyện, tỉnh, gây mất nguồn nhân lực tại chỗ. Đó cũng là việc chúng ta cần tập trung đầu tư hỗ trợ “kiến thức chăm sóc sức khỏe ban đầu” cho tuyến dưới hơn là việc “chuyển giao kỹ thuật” theo chương trình 1816 như hiện nay.
Nói tóm lại, để sự nghiệp chăm sóc sức khỏe thực sự có hiệu quả, bước đầu tiên, cơ bản, quan trọng nhất là phải khẳng định lại một triết lý chăm sóc sức khỏe toàn diện trên cả ba mặt: thể chất, tinh thần lẫn xã hội như định nghĩa sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới. Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô lẫn vi mô sẽ dựa trên định nghĩa này triển khai các bước đi tiếp theo sao cho toàn diện, không thiên lệch. Từ việc xác định triết lý này, sẽ có cơ sở tập trung các dạng nguồn lực: nhân lực, vật lực, tài lực, thiên nhiên, xã hội và văn hóa nhằm vào mục đích chăm sóc sức khỏe cho chính mình và xã hội. Nhà nước sẽ giảm bớt gánh nặng trong việc lo cho sức khỏe người dân, góp phần đảm bảo “an sinh xã hội”. Hồ Chủ tịch cũng đã từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Muốn “dân liệu” hiệu quả phải chỉ ra vai trò người dân một cách rõ ràng, tạo điều kiện để mọi tầng lớp tham gia tích cực, riêng trong định nghĩa sức khỏe, đa số người dân hoàn toàn có thể làm tốt việc chăm lo sức khỏe tinh thần và xã hội, bên cạnh thầy thuốc họ có quyền và có khả năng tự chăm sóc mình và gia đình, cộng đồng trong một chừng mực nhất định nhưng lại hiệu quả rất lớn.
Ths. Bs. Nguyễn Minh Mẫn
TTHN.ìnfo

Kiến nghị khẩn của sỹ quan quân đội.


Đơn Kiến nghị Khẩn cấp của Đại tá Bs Nguyễn Văn Tuyến Ban Quân Y Học viện chính trị


Đại tá Bs Nguyễn Văn Tuyến
(Ban Quân Y Học viện chính trị)
Điện thoại 0904695667
-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————
ĐƠN KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP
V/v làm trái luật đất đai, các nghị định chính phủ của UBND quận Hà Đông
  • Kính gửi: Lãnh đạo Đảng Nhà nước, Báo VnEpress và các cơ quan báo chí
Tên tôi là Nguyễn Văn Tuyến – Đại tá, đang công tác tại Học viện Chính trị.
Số 124 đường Ngô Quyền, quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Gia đình tôi đang khiếu nại Quyết định số 8273/QĐ – UBND ngày 21/12/2009 của UBND quận Hà Đông, thu hồi 230 m2 đất của gia đình tôi. Đến nay vẫn chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong khi chờ đợi thì Ngày 24/08/2011 Chính quyền quận Hà Đông và phường Hà Cầu đã tổ chức cho quận đội, công an cưỡng chế nhà đất của tôi, với diện tích 365 m2 nhà đất có: 70 m2 nhà cấp 4, và các ông trình trong khi chưa có kết luận của UBND TP Hà Nội. Nhà nước chỉ có một chứ không thể địa phương là nhà nước riêng. Với cách hành xử và vi phạm luật pháp như vậy thì chính quyền Hà Đông có còn là Nhà nước của dân, do dân và vì dân không? Kính mong ông xem xét việc kiến nghị của gia đình tôi để đảm bảo sự công bằng, đúng pháp luật, quyền lợi của gia đình được đảm bảo. Tôi xin trình bày như sau:
  • 1/ Nguồn gốc đất của gia đình tôi sử dụng: là đất cá thể –Không vào HTX ở tại xứ Đồng Trồi –Nó không phải đất 5% hay đất công (đất HTX giao theo chính sách nhà nước). Khu Đồng Trồi này UBND xã Hà Cầu và thị xã Hà Đông đã xác nhận. Giấy xác nhận đứng tên em vợ tôi là Ngô Văn Tâm vì khi đó tôi là bộ đội không có hộ khẩu tại xã, họ đã yêu cầu em tôi đứng tên, tôi đã làm theo vậy. Giấy xác nhận là xứ Đồng Trồi. Gia đình tôi sử dụng liên tục từ năm 1973 đến nay không có tranh chấp với tập thể cá nhân nào. Vì không có chỗ ở cho vợ con, đất lại không có nước, cuối năm 1992 tôi đã san lấp đất xây dựng nhà cấp 4 để ở, chăn nuôi, xây tường bao xung quanh, từ đó đến nay gia đình tôi không thấy bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào có ý kiến. Tôi được quân đội chia cho 50 m2 phải bán để bồi bổ mảnh đất này, nay bị bốc hơi. Mảnh đất này đã che chở, sinh lợi để nuôi các con tôi thành cán bộ đảng viên.
  • 2/Năm 2008 UBND tỉnh Hà Tây cũ có quyết định số 835/QĐ – UBND ngày 09/04/2008 về việc thu hồi 90.466,4m² đất của HTX nông nghiệp Cầu Đơ để thực hiện đầu tư XD hạ tầng để giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Tại Quyết định thể hiện các vị trí: – Khu Bãi sậy : 19.896m²; – Khu Bồ Hỏa: 16.806m²; – Khu Đồng Dưa: 53.763m². Tổng diện tích đủ 90.466m2. Ông thấy không có xứ đồng Trồi trong QĐ số 835/QĐ. Quyết định 835 ghi rõ chủ thể bị thu hồi đất là đất công của HTX NN Cầu Đơ. Nhà đất gia đình tôi sử dụng là đất cá thể, Tôi là bộ đội, vợ tôi là công nhân, không phải là xã viên làm ruộng nên không thuộc đối tượng mà HTX quản lý theo qui định. Thực tế dự án này đã dư ra hơn 2000m2. Tôi đã nhiều lần ý kiến với các cơ quan. Tại buổi làm việc với Cán bộ Thanh tra thành phố Hà Nội ngày 07/01/2011, tôi đã đề cập đến toàn bộ nôi dung nêu trên. Biên bản kiểm đếm tài sản của gia đình tôi ngày 07/03/2009 do cô Phan Bích Thủy và Vũ thị Ngọc Hà là cán bộ địa chính và tài nguyên môi trường của phường ghi rõ: Hộ Ông Tuyến: 70 m2 nhà cấp 4, tường vây quanh và công trình phụ, cổng sắt…. Tổng diện tích đất là 351m2 có ảnh, kèm theo. Tôi cũng đã kê khai tài sản này tại đơn vị – Học viện Chính trị từ năm 2008. Cho rằng tôi không cho vào đo là thiếu khách quan và vu khống.
  • 3/ Tại khoản 2,3,4 Điều 49; khoản 1,2,3,6,7 Điều 50 Luật đất đai năm 2003; Điều 48 Nghị Định 181/2004/NĐ-CP; Điều 14,15 Nghị định 84/2007/NĐ-CP; Điểm h Khoản 1, Điều 8 Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ; Điều 6 Quyết định 02/2010/QĐ-UBND ngày 18/01/2010 của UBND Thành Phố Hà Nội thì việc sử dụng đất của gia đình tôi tại khu vực này phù hợp với qui hoạch, đủ điều kiện để được cấp giấy CNQSDĐ mà nhà nước qui định. Nhà nước không thu hồi loại đất như gia đình nhà tôi đang sử dụng rất rõ ràng.
  • 4/ Chính sách của Đảng và Nhà nước qui định là đúng đắn, nhưng người có chức quyền thực hiện lại không đúng với chính sách đó. Ông Nguyễn Trường Sơn PCT quận Hà Đông cùng chính quyền phường đã mài quyền lực của chế độ để ép chết tôi, gây tan nát và tổn thất quyền lợi chính đáng cho gia đình tôi. Thưa Ông quận phường tranh chấp với gia đình tôi thì vô lý quá. Ông đã biết đầu những năm 90 đất nước khó khăn như thế nào! bộ đội như chúng tôi đâu dám đòi hỏi gì! Năm 1992 tôi phải san đất làm nhà tạm để có chỗ ở cho vợ con.
Đời lính của tôi đã 6 năm ở chiến trường Campuchia hơn 30 quân ngũ để góp phần dành lại chủ quyền cho đất nước, để rồi hôm nay sang lĩnh vực đời thường được những người “cán bộ quận-phường” thực hiện chính sách không đúng với những gì mà Đảng và Nhà nước qui định rõ ràng, cụ thể, cộng với chính sách hậu phương quân đội. Tôi rất tin tưởng vào Ông là người của nhân dân, vì vậy tôi có ý kiến đến Ông, kính đề nghị Ông chỉ đạo làm rõ một số kiến nghị của tôi như sau:
  • - Thứ nhất: Theo Quyết định số 835/QĐ ngày 09/4/2008 của UBND tỉnh Hà Tây. Thực tế quận Hà Đông thu dôi ra trên 2000 m2 . Xứ Đồng Trồi không có trong QĐ 835. Gia đình tôi không phải xã viên, phá nát nhà đất của tôi phải trả lại quyền lợi chính đáng cho tôi. Chính quyền ngụy biện không có xứ Đồng Trồi là không tôn trọng lịch sử và coi thường tiền nhiệm của chế độ XHCN.
  • - Thứ hai: Tại Quyết định số 8273/QĐ – UBND ngày 21/12/2009 của UBND quận Hà Đông, thu hồi 230 m2 đất của gia đình tôi. Nhưng cưỡng chế thu hồi của gia đình tôi là 356 m2 đất ở, trong đó có 70m2 nhà cấp 4, tường xây xung quanh, cửa hàng và các công trình phụ…..đã được thể hiện tại biên bản kiểm tra hiện trạng hộ Ông Tuyến ngày 07/03/2009 do cô Phan thị Bich Thủy và cô Vũ Thị Ngọc Hà là cán bộ của phường Hà Cầu lập.
  • - Thứ ba: Đất nhà tôi vẫn được ở liên tục từ trước tới nay không có tranh chấp với bất cứ tập thể và cá nhân nào. Năm 1992 tôi làm nhà ở cấp 4, xây tường vây quanh dân cho là hợp pháp vì đất cá thể. Nếu cho rằng đất nhà tôi UBND xã nay là phường Hà Cầu đã quản lý thì quản lý từ bao giờ?
  • - Thứ tư: Tôi đang chờ quyết định giải quyết khiếu nại của UBND Thành phố Hà Nội thì ngày 24/08/2011 UBND quận Hà Đông và phường Hà Cầu tổ chức cưỡng chế phá nát tài sản trên đất nhà tôi như đã trình bày ở trên theo luật pháp hiện hành thì đúng hay sao?
  • - Thứ năm: Đề nghị Ông cho thành lập Đoàn liên ngành của Thành phố gồm các cơ quan: Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên- Môi trưởng, Sở Xây dựng… để làm rõ việc ban hành các văn bản pháp quy, quy trình, quy định về thu hồi, cưỡng chế nhà đất, để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước của dân được hài hòa, đúng pháp luật và đạo lý, tránh để Lãnh đạo đất nước phải chỉ đạo như Tiên Lãng.
  • -Thứ sáu: Nhà đất của tôi không nằm trong diện thu hồi, không nằm trong quyết định 835/QĐ và không ảnh hưởng gì đến dự án, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, công lao gây dựng từ hơn 20 năm nay. Đề nghị được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất này cho gia đình tôi theo đúng pháp luật.
Tôi không muốn làm ảnh hưởng đến danh dự của Người bộ đội cụ Hồ, không muốn để Lãnh đạo Thành phố Hà Nội phải băn khoăn đối với việc của gia đình tôi. Nay tôi hết đường kiên nhẫn. Chính quyền quận Hà Đông đã bất chấp kỷ cương phép nước. Nhà cửa không còn phải đi thuê ở cho vợ con. Tôi bức xúc nhất là làm mất lòng tin của lớp trẻ vào Đảng ta, bức xúc trong dư luận, đây là gây nên tự diễn biến hòa bình. Hậu quả như thế nào tôi không chịu trách nhiệm. Chính quyền Hà Đông dùng quyền lực Nhà nước lấy nhà đất của tôi để chia cho những người khác. Đại tá như tôi đã 6 năm chiến trường, 30 năm quân ngũ mất nhà chẳng khác vụ Tiên Lãng, nhưng tôi chưa manh động vì là Đảng viên, tôi tin Đảng, Bác Hồ, vì uy tín chính trị của Học viện. Tự trọng cán bộ để binh sĩ quận đội nó xích thì nhục quá xá, Quân đội còn thể thống gì. Vì công lao tôi quá nhỏ so công lao của 60 năm bao thế hệ cha anh đi trước với Đảng với Tổ Quốc, để Học viện được thưởng Huân Chương Sao Vàng. Nếu tôi manh động mà ảnh hưởng đến Học viện thì mình phản lại cha anh mình. Tôi bầm gan tím ruột lắm chứ. Gia đình ly tán, bất hòa?. Uất ức quá! .
Tôi đi chiến đấu, theo Đảng, Bác Hồ ước mơ sẽ xây dựng một phòng khám từ thiện cho dân nghèo tại mảnh đất này vừa kiếm sống vừa làm việc thiện cho dân. Vì quyền lợi chính đáng của gia đình tôi và đây là phần xương máu của tôi bao năm nơi chiến trường, trong quân ngũ, đúng với tư tưởng đạo đức Bác Hồ, tôi rất mong Ông xem xét thật công minh, đảm bảo đúng pháp luật để gia đình tôi ổn định cuộc sống, bản thân tôi yên tâm công tác.
Khẩn thiết kính mong sự quan tâm xem xét của Ông!
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Đông, ngày 4 tháng 3 năm 2012
Kính đơn
Đã ký
Đại tá Nguyễn Văn Tuyến
————
OAN KHỐC QUÁ!
Tôi đại tá đang công tác đã 6 năm chiến trường,30 năm quân ngũ bị mất nhà cửa cũng giống nhà anh Vươn nhưng tôi không manh động vì tôi là Đảng viên, tôi tin Đảng, Bác Hồ, vì uy tín chính trị của Học viện Chính trị. Tự trọng là đại tá mà để mấy chú cấp úy, binh sĩ quận Hà Đông nó xích thì nhục quá xá, Quân đội ta còn thể thống gì. Vì công lao tôi quá nhỏ so công lao của 60 năm bao thế hệ cha anh đi trước với Đảng với Tổ Quốc, để Học viện Chính trị được thưởng Huân Chương Sao Vàng. Nếu tôi manh động mà ảnh hưởng đến Học viện thì mình phản lại cha anh mình – Tôi bầm gan tím ruột lắm chứ. Quyết định thu 230m2 nhưng cào cả 356m2 nhà đất làm từ 1992 của tôi một cách trái luật pháp. Công lao hơn 20 của gia đình bị bốc hơi. Con tội, vợ chồng lý tán ?. trớ trêu quá sá! Tôi phải tự than thân?
TÂN CA DAO – Tự tình
Vợ ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc cướp ngày là …Ủy ban
Chính quyền có mấy Tiện Quan
Công an bộ đội một đoàn kéo lên
Hung hăng ầm ĩ súng, kèn
Ủi nhà bắt trẻ một phen tơi bời
May chưa cụt cẳng đầu rơi
Nhà tan, con tội đã đời khổ chưa!
Người ta có chức có quyền
Bộ đội nhưng bé phải hèn nhớ chưa?
Đảng viên hỏng coi thường phép vua
Ai mà chống lại te tua có ngày
Em ơi nhớ lấy nhời này…..
xxx
Bác Sang biết có nhiều Sâu
Các Bác cũng bị đau đầu khổ thay!
Sâu ơi ta bảo Sâu này
Sâu cướp lắm của có ngày hóa ma!
Dân lành Sâu cũng chẳng tha
Sâu đem máy xúc ủi nhà lương dân
Bộ đội đức nghiệp chuyên cần
Sao Sâu thất đức, bất nhân thế mày!
xxx
Bao giờ Chính phủ biết oan
Bọn lợi ích nhóm, tham quan vào còng
Nói ra ai chẳng đau lòng,
Anh em tủi nhục, vợ chồng thở than.
Cũng có lúc bầm gan tím ruột
Phải dằn lòng trong lúc trớ trêu.
Công ơn Đảng, Bác rất nhiều
Lòng ta vẫn giữ những điều Bác răn.
Ngày hận 24/08/2011
Đại tá Bs Nguyễn Văn Tuyến Ban Quân Y
Học viện chính trị Điện thoại 09046956