Sau loạt bài “Trở lại thiên phóng sự Ma thuật của một đại tá công an. Những khuất tất của Thiếu tướng Trần Văn Vệ vẫn chưa xử lí?” đăng trên Báo Người cao tuổi, ngày 27/8/2013 Văn phòng Chủ tịch nước có công văn số 1125/VPCTN-PI truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác minh, làm rõ (nếu có) xử lí nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng và pháp luật. Nhiều bạn đọc gửi thư, điện thoại và trực tiếp tới Báo Người cao tuổi hoan nghênh, bày tỏ niềm tin vào sự chỉ đạo kiên quyết của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, thời gian từ ngày có văn bản đó đến nay đã hơn 2 tháng, vụ việc vẫn “im lặng đáng sợ”. Dư luận xã hội tỏ ra hoài nghi về tính khách quan, nghiêm túc tuân thủ pháp luật của các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lí và giải quyết vụ việc này, đòi hỏi sớm được làm rõ và giải quyết dứt điểm.
Báo Người cao tuổi khẳng định những thông tin phản ánh trong loạt bài về những khuất tất của Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Về Quản lí hành chính và Trật tự xã hội (Bộ Công an) là hoàn toàn trung thực, khách quan! Để các cơ quan chức năng và bạn đọc cùng thẩm định, một lần nữa Báo Người cao tuổi tóm lược một số vụ việc mang tính “ma thuật” của Thiếu tướng Trần Văn Vệ…
Từ việc làm hồ sơ giả mạo để vợ mới 33 tuổi được hưu đến mạo danh Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp cho vợ trong Đoàn doanh nhân tháp tùng Phó Chủ tịch nước đi thăm Mỹ và Mê-hi-cô
Đó là điều ít ai có thể tin được nhưng hoàn toàn là sự thật từng xảy ra đối với bà Bùi Thị Kim Liên, vợ Thiếu tướng Trần Văn Vệ. Vụ việc bị vỡ lở cũng từ phát hiện của nhân dân khi bà Liên hằng tháng lén lút nhận lương hưu không thông qua hệ thống chi trả BHXH tại phường, buộc BHXH tỉnh Thái Bình phải vào cuộc. Tại báo cáo kết quả xác minh số 13/KT, ngày 21/5/2007 của BHXH tỉnh Thái Bình và thể hiện trên hồ sơ lưu trữ: Bà Bùi Thị Kim Liên, sinh ngày 14/6/1960 nhưng từ tác động của ông Vệ đã làm giả hồ sơ sinh năm 1949 (tăng 11 tuổi), chỉ lao động tại Xí nghiệp sửa chữa ô-tô Thái Bình 10 năm nhưng khai 16 năm, không đi bộ đội ngày nào khai có 4 năm là chiến sĩ tại Trung đoàn 952 Vùng I Hải quân? Tại thời điểm kiểm tra, bà Liên đã lĩnh trọn 161 tháng lương hưu, chiếm đoạt 49.188.300 đồng, buộc BHXH tỉnh Thái Bình phải ra quyết định số 04/QĐ-BHXH ngày 11/6/2007 thu hồi về công quỹ. Lẽ ra hành vi lừa đảo này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng bởi bà Liên là vợ ông Trần Văn Vệ, Giám đốc Công an tỉnh nên người dưới quyền ông Vệ không ai dám đứng ra khởi tố vụ án, khởi tố bị can?
Điều man trá đó chỉ có thể do chính ông Vệ thực hiện. Tưởng rằng sai phạm đó đã là bài học cay đắng cho vợ chồng ông Vệ, nào ngờ bằng ảnh hưởng chi phối với lãnh đạo BHXH tỉnh Thái Bình, vợ chồng ông Vệ lại tiếp tục làm hồ sơ giả gửi BHXH tại Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Hải Bình, nơi bà Hoàng Thị Hồng là “em nuôi” ông Vệ làm Giám đốc, chờ cơ hội làm thủ tục hưởng hưu trí cho vợ. Điều bi hài là, bà Bùi Thị Kim Liên chỉ nội trợ, không làm việc cho doanh nghiệp nào và trong thời gian trên cũng đang hưởng chế độ hưu trí nhưng trong hồ sơ truy đóng BHXH lại thể hiện có 10 năm công tác tại Công ty Hoàng Phát và 1 năm 7 tháng tại Công ty Du lịch và Thương mại Hải Bình? Đến nay, bà Liên vẫn nghiễm nhiên trong danh sách BHXH của Công ty Hải Bình cho dù bà đang sinh sống tại biệt thự Khu đô thị Trung Kính, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Trong khi đó hàng trăm trường hợp gửi đóng BHXH tương tự đã bị huỷ bỏ trong vụ án xảy ra tại BHXH tỉnh Thái Bình. Chỉ riêng bà Bùi Thị Kim Liên lại được “đặc cách” bởi bà là vợ của Thiếu tướng Trần Văn Vệ.
Hành vi lừa đảo, gian dối không chỉ dừng trong việc giả mạo hồ sơ nghỉ hưu, hồ sơ gửi BHXH mà trắng trợn, ngạo mạn hơn là tiếp tục làm hồ sơ giả và thẩm định lí lịch tư pháp cho vợ là bà Bùi Thị Kim Liên với tư cách là Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp tham gia Đoàn doanh nhân tháp tùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đi thăm Mỹ và Mê-hi-cô năm 2009. Tại văn bản xác nhận ông Nguyễn Như Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Lam Sơn – Thái Bình đã thừa nhận sự thật này.
Theo ý kiến của đông đảo bạn đọc chỉ cần căn cứ vào hai hành vi sai phạm nghiêm trọng nêu trên, ông Trần Văn Vệ đã không còn đủ tư cách là đảng viên và đủ điều kiện đưa ra khỏi ngành Công an?
Chứng cứ hồ sơ giả mạo hưu trí và mạo danh Phó Tổng Giám đốc trong Đoàn doanh nhân tháp tùng Phó Chủ tịch nước đi thăm Mỹ của bà Bùi Thị Kim Liên.
Có hay không việc tranh đất với người chết và thâu tóm tài sản của Công an Thái Bình?
Đó là sự thật hiển nhiên đang tồn tại mà người dân nào ở TP Thái Bình cũng biết. Việc ông Trần Văn Vệ thuyết phục Bộ Công an chấp nhận di dời Trụ sở Công an tỉnh Thái Bình từ nội thị ra bãi tha ma Trần Lãm – Kỳ Bá (trái với quy hoạch của TP Thái Bình) để nâng lợi thế giá trị kinh doanh chia lô bán nền đất tại Khu đô thị chất lượng cao Trần Lãm do em trai ông Vệ làm chủ đầu tư là thủ đoạn “ma thuật”. Trong thực tế, Công ty Hateco do ông Trần Văn Kỳ đứng tên chỉ là hình thức, còn toàn bộ điều hành các cơ quan chức năng ở Thái Bình đều do ảnh hưởng, chi phối từ quyền lực của ông Vệ. Mặc dù dự án thực hiện chậm 5 năm, bộc lộ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt hiện tượng trốn thuế, thậm chí sử dụng cả đối tượng xã hội đen chèn ép, cưỡng đoạt thu các loại phí trái pháp luật của nhiều khách hàng, gây mất ổn định trầm trọng trên địa bàn, buộc Chi bộ Đảng tại khu đô thị phải có báo cáo khẩn cấp và ra nghị quyết gửi lên cấp uỷ cấp trên. Đến nay, 650 lô nền đất đã bán xong và thu tiền của khách hàng với tổng doanh số ước tính khoảng 650 tỉ đồng, nhưng theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, anh em ông Vệ mới chỉ nộp được trên 8 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Thanh tra thuế trong 2 năm 2009 và 2010 Cục Thuế tỉnh đã phát hiện hành vi biển lận thuế và truy thu 10,883 tỉ đồng. UBND tỉnh Thái Bình đã thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện Dự án Khu đô thị Trần Lãm. Do Cục Thuế tỉnh đang tiến hành thanh tra tiếp 2 năm 2011 và 2012, nên thời điểm Đoàn Thanh tra phải lùi lại vào đầu năm 2014 mới triển khai được.
Việc bán Nhà công vụ Công an tỉnh và trụ sở Công an huyện Đông Hưng cho Ngân hàng CP Đông Á, ngân hàng của anh trai ông Vệ là Trần Văn Đình sử dụng trái mục đích hoặc để “đắp chiếu” bộc lộ rõ chủ ý của ông Trần Văn Vệ là thâu tóm khối tài sản và đất có lợi thế của Công an Thái Bình về tay gia đình ông. Việc làm thiếu minh bạch, công khai trong việc định giá, tổ chức đấu giá đất 2 địa điểm này có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế, gây thất thoát hàng chục tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Dùng ảnh hưởng quyền lực bao che cho tội phạm
Nhiều nhức nhối vẫn âm ỉ trong lòng người dân, bởi hàng loạt vụ việc đã từng xảy ra mà nhân dân Thái Bình đều biết. Họ không thể tin vào chính mắt mình, bởi sức mạnh ảnh hưởng, chi phối từ quyền năng một thời của Giám đốc Công an Trần Văn Vệ đã từng “đổi trắng, thay đen” biết bao vụ án. Đó là che giấu và không khởi tố 35 đơn vị, cá nhân phá hơn 200ha rừng phòng hộ ven biển ở huyện Tiền Hải để cho thuê làm đầm nuôi tôm. Đã khởi tố vụ án Lê Hoài Nam có hành vi gian lận về trồng rừng ngập mặn nhưng ít ngày sau ông Vệ lại ra lệnh đình chỉ vụ án nhằm vụ lợi cá nhân. Bao che không khởi tố vụ án tham nhũng tại Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Sau khi ông Vệ chuyển công tác về Bộ Công an vụ án này mới được khởi động lại và tiến hành khởi tố, thu gần 600 triệu đồng về cho ngân sách. Bị cáo Trịnh Trung Thông, cựu Chủ tịch Hội đã bị tuyên phạt 3 năm tù. Vụ án chiếm dụng tại Công ty Sứ Thái Bình đã bị khởi tố nhưng do mối quan hệ ông Vệ quyết định đình chỉ điều tra, không tuân thủ nghiêm luật phòng chống tham nhũng. Vụ án vận chuyển ma tuý Cò Nòi, Sơn La – Thái Bình thu một số hê-rô-in và 167 viên hồng phiến. Quá trình chỉ đạo điều tra ông Vệ đã làm sai lệch hồ sơ ngay từ khi điều tra để lọt tội phạm Bùi Duy Hồng. Sau khi vụ án xảy ra hơn một tuần, tên Điều Chính Tâm, một mắt xích quan trọng của đường dây ma tuý nguy hiểm này đột ngột chết. Gia đình tội phạm đã bán nhà đất để lấy tiền chạy án giảm tội cho Chung và Hồng. Vụ án giết anh Tô Văn Phán (con liệt sĩ) tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, do mối quan hệ và vụ lợi, ông Vệ chỉ đạo làm sai lệch bản chất vụ án từ cố ý giết người sang tội danh vô ý giết người. Phạm Văn Công kẻ gây án bị Toà án tuyên phạt 12 năm tù nhưng lại được ông Vệ giữ lại tại Trại giam Thái Bình để làm “nghiệp vụ” mà không phải di lí đi cải tạo ở trại giam khác. Chưa đầy 5 năm thụ án, Phạm Văn Công được tha và lại tiếp tục hành hung gây án tại địa phương. Ông Vệ cố tình không chỉ đạo điều tra để làm rõ, xử lí vụ việc nhà thầu thi công làm sập trần Nhà văn hoá huyện Tiền Hải bởi Công ty này lại do chính ông Vệ môi giới nhận thầu. Ông Vệ thuê khoán đấu thầu mặt biển 32ha tại Khu nhà khách Công an Thái Bình ở Đồng Châu để vụ lợi, trái mục đích sử dụng tài nguyên đất, mặt nước theo quyết định của UBND tỉnh Thái Bình.
Mặc dù lương chỉ cấp bậc Đại tá, trong khi vợ không có việc làm, con đi du học ở nước ngoài, nhưng ông Vệ có khối tài sản khá lớn: 1 toà biệt thự trị giá gần 20 tỉ đồng tại Khu Trung Kính, Hà Nội; 1 căn nhà tại phường Quang Trung, TP Thái Bình trị giá hơn 2 tỉ đồng. Ông Trần Văn Vệ xây chùa riêng của gia đình tại quê (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) trong thời gian làm Giám đốc Công an tỉnh trị giá hàng chục tỉ đồng, trong khi xã này đã có Chùa Keo, Di tích Lịch sử đặc biệt cấp quốc gia. Lấy đất canh tác xây chùa chưa được thẩm định, cho phép của chính quyền và Giáo hội Phật giáo đồng ý là trái quy định quản lí của Nhà nước.
Với những sai phạm, vi phạm pháp luật nghiêm trọng diễn ra trong thời gian ông Trần Văn Vệ làm Giám đốc Công an Thái Bình và liên quan cả thời kì ông Vệ được về công tác trên Bộ Công an năm 2010. Con người như thế , “ma thuật” như thế, vậy mà ông vẫn được thăng hàm Thiếu tướng và vẫn lên truyền hình dạy đời.
Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi đã có văn bản kiến nghị, một loạt bài báo đã đăng phản ánh, Thanh tra Bộ Công an đã vào cuộc nhưng không có hồi âm theo Luật Báo chí, không xử lí hành chính hay pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nguyễn Trọng Thắng